Nếu như quay lại 10 năm trước, nghề nuôi heo được xem là nghề thịnh vượng, “ăn nên làm ra” của đông đảo nông dân thì thời gian gần đây, nhiều nông dân đã chuyển sang mô hình kinh tế mới như nuôi thỏ, ếch, nuôi cá nước ngọt... và gần đây nhất là nuôi nhím... Mô hình kinh tế mới, hiệu quả cao Gia đình anh Nguyễn Khánh Hưng ở ấp Đông An, xã Tân Đông Hiệp (Dĩ An) là hộ có hơn 6 năm trong nghề nuôi nhím. Dẫn chúng tôi ra thăm chuồng nhím, chỉ trong một căn nhà nhỏ có 6 chuồng nhím liền kề nhau, mỗi chuồng rộng hơn 1m2. Nhìn những chú nhím ngoan ngoãn nằm trong chuồng, chúng tôi không nghĩ rằng, những chú nhím hoang dã này sống trong hang hốc rừng núi, nay lại được bàn tay con người thuần hóa và chính chúng đang là con vật mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước làm thay đổi đời sống nhiều hộ nông dân.
Mô hình nuôi nhím
Được biết trước đây, ông Hưng làm công nhân cho một công ty. Một lần tình cờ ông lên mạng tìm hiểu tò mò với nghề nuôi nhím. Thấy nghề mới, lạ và có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thế là ông quyết định bỏ việc, dốc hết vốn đầu tư vào nhím. Ban đầu ông chỉ nuôi 5 cặp (10 con) nhím trị giá gần 60 triệu đồng, đến nay đàn nhím của ông đã phát triển lên hơn 40 con trị giá hơn 200 triệu đồng. Ông cho biết, trung bình một cặp nhím có giá từ 7 - 12 triệu đồng. Nhím là loại vật rất dễ nuôi, dễ ăn uống, có sức khỏe tốt, không hay bị dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, sau khi trừ chi phí, ông để dành được hơn 30 triệu đồng/năm. Rời Dĩ An, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Chương ở ấp 1, xã Tân Bình (Tân Uyên). Ông Chương không những nuôi nhím cung cấp nguồn thịt cho thị trường mà còn nhân giống để bán ở các tỉnh Đồng Nai và TP.HCM... Trong chuồng ông hiện có gần 100 con nhím, thu nhập bình quân cả trăm triệu đồng/năm. Tâm sự với chúng tôi, ông nói: “Nhím dễ nuôi, tuy nhiên giá lại khá đắt, trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/cặp nhím nhỏ. Nếu nhím lớn, chuẩn bị đẻ giá có thể lên đến 15 triệu đồng/cặp”. Không mấy chốc, nghề nuôi nhím bắt đầu nhân rộng với tiến độ rất nhanh, Trường hợp của ông Nguyễn Hồng Thái ở ấp Hiệp Thắng, xã Bình Thắng là một ví dụ. Từ một ông chủ trang trại heo với hàng trăm con heo, đến nay ông cũng đang tập nuôi nhím. Tuy mới nuôi thử nghiệm 3 cặp, nhưng ông nói với chúng tôi rất lạc quan: “Tôi thử nghiệm thấy có thể đầu tư, phát triển nghề nhím được”. Đồ ăn của nhím khá đa dạng nhưng dễ tìm và đặc biệt nông dân có thể tận dụng hoặc có thể đến chợ nhặt, mua giá rẻ từ tiểu thương các loại rau, quả, củ hư thối. Nhím khá khỏe mạnh, chúng chỉ bị ghẻ, tiêu chảy nhưng chữa bệnh chúng cũng rất đơn giản, chỉ cần cho chúng ăn đồ chát như lá ổi, khổ qua là chúng khỏi bệnh ngay. Điều hay là từ ngày ông Hưng nuôi nhím đến nay, ông chỉ bỏ công đến các chợ đầu mối nhặt rau, củ, quả về gọt bỏ phần hư thối rồi cho chúng ăn mà không hề mất tiền. Hơn nữa, thịt của nhím có giá trị kinh tế cao trên thị trường, là món ăn đặc sản của nhiều nhà hàng, khách sạn, trung bình từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Rõ ràng, nghề nuôi nhím rất triển vọng, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp.
nuôi nhím mang lại nguồn kinh tế cao
Ông Hưng bật mí với chúng tôi: “Hiện đã có nhà hàng đến đề nghị bán thịt nhím nhưng tôi không dám nhận lời vì sợ không đủ cung cấp thịt. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư nhân giống kể cả bán thịt nhím”. Cần nhân rộng… Nuôi nhím là một mô hình kinh tế mới, có hiệu quả kinh tế cao nhưng không chiếm diện tích lớn, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với nhiều hộ nông dân ở nông thôn và thành thị. Tuy vậy, mô hình vẫn chưa được tuyên truyền và nhân rộng. Vì sao như thế? Ông Lê Tấn Lộc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đông Hiệp cho biết: “Từ mô hình nuôi nhím của ông Hưng, đến nay Hội Nông dân xã tuyên truyền trong nông dân bằng cách phát tài liệu cho nông dân tham khảo và tham quan thực tế về hình thức cũng như kỹ thuật nuôi nhím và khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư. Cái khó là giống nhím khá đắt lại là vật nuôi lạ nên nông dân còn e dè”. Để khuyến khích nhiều hộ nông dân nuôi nhím, ông Chương còn khuyến khích: “Tôi sẽ cung cấp giống và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nuôi, giúp đỡ người nuôi”. Bây giờ, nông dân lại có thêm một mô hình kinh tế mới để nuôi dưỡng và phát triển. Tuy nhiên, để nghề nuôi nhím đem lại hiệu quả cao, thiết nghĩ các ngành chức năng cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để hộ nông dân hiểu rõ hơn về khoa học kỹ thuật, cách nuôi cũng như thu nhập cao từ nghề nuôi nhím... Trước khi có phân bón dành cho ngành trồng trọt thì người nông dân từ lâu đã biết dùng tro bếp để bón cho cây. Nhưng hiện nay hình thức này đã không còn thịnh hành như trước, thế nên rất nhiều người không biết lợi ích của tro bếp là gì trong trồng trọt. ==>> Xem thêm Tác dụng của tro bếp đối với cây trồng trong trồng trọt nhé.