Vua Minh Mệnh húy là Hiệu, có tên là Đởm, sinh ngày 23 tháng giêng năm Tân Hợi (1789), là con thứ tư của vua Gia Long. Tháng giêng năm Canh Thìn (1820). Hoàng tử Đởm lên ngôi vua, đặt quốc hiệu là Đại Nam, niên hiệu là Minh Mệnh. ==>> Xem thêm Cầu Sông Bé (Cầu Gãy), Phú Giáo: Nơi lưu giữ giá trị lịch sử hào hùng Vua là người có tinh thần hiếu học, năng động quyết đoán. Từ khi lên ngôi, ông đã quan tâm đến việc chấn chỉnh bộ máy quan lại.

vua minh mệnh

Ai được thăng chức, bổ nhiệm đều phải đến kinh gặp vua trước khi nhậm chức. Đây là cơ sở để vua kiểm tra đức độ và năng lực cùng khuyên bảo điều hay lẽ phải, cốt sao cho ích nước lợi nhà. Vua là người luôn quan tâm việc nước. Khi đêm khuya vua vẫn thắp đèn xem chương, sớ đến canh hai canh ba mới nghỉ. Ông thường nói với triều thần: - Lòng người, ai chả muốn yên hay vì chuyện sinh sự để thay đổi luôn, lúc trẻ tuổi còn khỏe mạnh mà không biết sửa sang mọi việc, đến lúc già yếu thì còn mong làm gì được nữa. Bởi thế trẫm không dám lười biếng bất kỳ lúc nào. Minh Mệnh rất quan tâm đến học hành khoa cử và việc tuyển chọn nhân tài. Vua đặt chức Tế tửu và Tư nghiệp năm Tân Tỵ (1821), mở lại thi Hội, thi Đình năm Nhâm Ngọ (1822).

Minh Mệnh rất quan tâm đến học hành khoa cử và việc tuyển chọn nhân tài

Vua còn cho đặt đốc học ở Gia Định thành, giao trọng trách cho thầy giáo người Nghệ An là Nguyễn Trọng Vũ với chức vụ Phó đốc học để chăm lo việc học tập ở Nam bộ. Bấy giờ, Gia Định chỉ có Trịnh Hoài Đức là người có học vấn cao nên được vua tin dùng, cho làm Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư bộ Lại kiêm Thượng thư bộ Binh. Minh Mệnh còn lập Quốc sử quán để biên soạn lịch sử dân tộc và các triều đại. Trong việc dùng người, Minh Mệnh chú trọng cả tài, đức và đặc biệt là học vấn. Theo Minh Mệnh, người không học thì không rõ luật lệ lỡ khi xử đoán sai thì pháp luật khó dung, như thế thì sẽ làm hại cho dân. Việc dùng người không ngoài mục đích giúp yên dân, muốn yên dân thì không được phiền nhiễu dân, làm quan phủ huyện không tham nhũng, không nhiễu loạn thì dân mới yên. Vua còn nghiêm trị cả bọn quan lại tham ô. Minh Mệnh rất quan tâm đến việc quân sự. Vua cho người tìm hiểu kỹ thuật đóng tàu của châu Âu để vận dụng trong nước. Vua còn chú trọng đến việc sản xuất nông nghiệp. Ông cho hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở Bắc bộ, đặt quan khuyến nông, khai hoang ven biển Bắc bộ, lập hai huyện mới Kim Sơn và Tiền Hải. Công cuộc khai hoang và thủy lợi ở Nam bộ cũng được đẩy mạnh. Minh Mệnh đã thử nghiệm giải pháp bỏ đê phía nam Hà Nội, đào sông thoát lũ Cửu An (Hưng Yên)... Minh Mệnh củng cố và hoàn thiện bộ máy Nhà nước: Đặt nội các trong cung điện; cơ mật viện (1834) dùng 4 đại thần, đeo kim bài để phân biệt chức vị. Cơ mật viện cùng vua bàn bạc và quyết định việc quan trọng. Năm 1831 vua tiến hành cải cách hành chính trên quy mô lớn, chia cả nước ra làm 31 tỉnh. Từ đây tỉnh là đơn vị hành chính thống nhất trong cả nước có cương vực và địa hình khá hợp lý (làm cơ sở cho sự phân chia tỉnh, huyện ngày nay). Mỗi tỉnh có Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát để trông coi công việc. Các châu miền núi dựa theo đơn vị hành chính thống nhất với miền xuôi. Trị vì 21 năm, Minh Mệnh lo toan công việc thường như một ngày mọi phê bảo, dụ chỉ, chế cáo đều tự tay vua viết ra với số lượng không nhỏ. Vua còn làm thơ, viết văn. Tháng 12 năm Canh Tý (1840), vua ốm nặng rồi qua đời. Minh Mệnh là một trong 13 vị vua của triều Nguyễn. Ông đã góp công không nhỏ trong tiến trình xây dựng và phát triển nước nhà. Công lao ấy người đời sau ghi tạc.