Tháng 1-1285, 50 vạn quân Nguyên Mông do Trấn Nam Vương Thoát Hoan - con trai của Hoàng đế Nguyên Mông Hốt Tất Liệt, cầm đầu chia quân làm hai cánh ào ạt tấn công xâm lược Đại Việt. ==>> Xem thêm Minh Mệnh: Vị vua năng động và quyết đoán Trước thế giặc tấn công dữ dội từ nhiều phía, quân ta rơi vào thế bất lợi, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bèn quyết định lui quân về giữ Vạn Kiếp (nay thuộc vùng Vạn Yên, Chí Linh). Một cuộc chiến hết sức ác liệt đã diễn ra giữa quân ta và quân giặc ở Vạn Kiếp. Quân ta buộc phải lui về giữ Thăng Long.

Trần Bình Trọng

Quân giặc nhân đà này, hối hả đưa quân đánh Thăng Long. Hưng Đạo Vương cùng Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông trực tiếp trấn giữ Thăng Long, nhưng thế giặc rất mạnh, quân ta lại buộc rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường (Nam Định) để bảo toàn lực lượng. Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương và hai vua Trần giao cho giữ vùng Đà Mạc - Thiên Mạc (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên). Trước đường tiến quân truy đuổi hết sức dữ dội của hai cánh quân giặc cả bộ lẫn thủy do Hữu thừa Khoan Triệt và Tả thừa Lý Hằng cùng tướng Ô Mã Nhi cầm đầu, cuộc chiến chặn giặc đầu tiên đã diễn ra ở Đà Mạc. Trần Bình Trọng và quân sĩ án ngữ ở đây đã chiến đấu rất dũng cảm để bảo vệ đường rút lui của nhà vua và chủ tướng. Quân ta ít, quân địch quá đông, cuối cùng, ông bị sa vào tay giặc. Tướng giặc tìm mọi cách dọa nạt, dụ dỗ buộc ông hàng phục. Ông kiên quyết không chịu khuất phục. Ông đã tuyệt thực, nêu cao khí tiết trung dũng của người tướng anh hùng. Dọa nạt, khảo tra không được, chúng giở trò mua chuộc, hỏi ông có muốn làm vương đất Bắc không (...) ông đã thét to: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Không dụ dỗ mua chuộc được ông, bọn giặc đã giết ông, ngày 21 tháng giêng năm Ất Dậu (26-2-1285) lúc ông vừa 26 tuổi...

Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc

Trần Bình Trọng sinh năm 1259, quê xã Bảo Thái (nay thuộc huyện Thanh Liêm, Hà Nam), vốn dòng dõi Đại Hành Hoàng đế Lê Hoàn. Do ông nội lập được công lớn vào thời Trần Thái Tông, nên được vua đổi thành họ Trần. Khí tiết và cái chết oanh liệt của Trần Bình Trọng đã thổi thêm ngọn lửa căm thù giặc vào toàn thể quân dân Đại Việt thời Trần, góp phần làm nên đại thắng quân Nguyên Mông. Ông mãi mãi là tấm gương sáng chói về tinh thần bất khuất trước uy lực, không bị mua chuộc bởi vinh hoa phú quý, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì Tổ quốc. Cụ Phan Kế Bính viết thơ cảm vịnh ông: “Giỏi thay! Trần Bình trọng/ Dòng dõi Lê Đại Hành/ Đánh giặc dư tài mạnh/ Thờ vua một tiết trinh/ Bắc vương sống mà nhục/ Nam quỷ thác cũng vinh/ Cứng cỏi lời trung liệt/ Ngàn thu tỏ đại danh”. Nguyễn Hoàng Lê